Ý nghĩa của tượng ông thiện ông ác

Comment

Tư vấn

Đa số các chùa ở Việt Nam thường thờ hai tượng có khuôn mặt Thiện và Ác. Đây là hai vị Hộ pháp được tạc tượng theo kiểu võ sĩ cổ, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ, một vị tay cầm viên ngọc, một vị tay cầm binh khí, trong tư thế đứng hoặc ngồi. Vậy hai vị này có nguồn gốc ra sao, ý nghĩa của việc thờ ông thiện, ông ác trong Phật Giáo? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

1. Hình tượng của hai vị Hộ pháp

Chúng ta dễ dàng bắt gặp tượng hai vị hộ pháp (ông thiện, ông ác) khi bước vào những ngôi chùa ở nước ta.

Hiện thân của Hình tượng Hộ Pháp trong đạo Phật có tên gọi đầy đủ là Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát. Đây là những Thiện Thần phát nguyện hộ trì Phật pháp (nghĩa là những vị Thiện thần tự nguyện hỗ trợ đạo Phật).

Nhìn chung hình ảnh của các ngài Hộ pháp thường thấy là to lớn, mặc áo giáp trụ, đầu đội mũ Thiên Tướng, tay cầm bảo kiếm, chày Kim Cang, bảo xử. Dân gian vẫn thường có câu: “To như ông Hộ Pháp” là nói đến dáng vẻ khổng lồ oai vệ của ông thiện, ông ác.

Ở các chùa miền Bắc các tượng Hộ Pháp thường được tạo đứng hoặc ngồi trên lưng một loại sư tử huyền thoại. Trong khi đó các chùa ở miền Nam, quý Ngài thường là tượng đứng cưỡi rồng, cưỡi mây.

2. Ý nghĩa của tượng ông thiện, ông ác

Tượng Ông thiện Ông ác, mang một ý nghĩa thâm trầm, cao siêu hơn chúng ta tưởng.

Trong giáo lý nhà Phật, từ bi lúc nào cũng muốn đem lại sự an vui lợi lạc cho tất cả chúng sanh, nhưng do trình độ chúng sanh không giống nhau, nên các phương tiện hóa độ của chư Phật, Bồ-tát cũng khác nhau. Có người dùng lời hiền hòa, cử chỉ thương yêu chỉ dạy họ liền cảm mến nghe theo.

Có người ngang bướng dùng lời hiền hòa nói họ không chịu nghe, buộc lòng phải có thái độ dường như ác dữ mới chuyển họ được. Chuyện kể rằng: Bồ Tát Quan Thế Âm vì phương tiện cứu độ loài quỷ đói, không để họ tiếp tục gây tạo ác nghiệp nữa; nên vì lòng đại từ bi, Bồ Tát Quan Thế Âm đã phải hiện thân vào loài quỷ đói, đóng vai ông ác, để rồi cuối cùng cảm hóa được loài chúng sanh này.

Chính vì thế, việc thờ tượng ông Khuyến Thiện và ông Trừng Ác nhằm thể hiện sự tồn tại biện chứng của hai mặt đối nghịch Thiện và Ác trong cuộc sống đời thường. Đây là hình thức giáo dục sâu sắc, nhằm nhắc nhở con người nên ăn hiền ở lành, không nên có ác tâm, làm người khác đau khổ, làm lành thì được các vị Thiện Thần ủng hộ, làm ác thì bị các vị Ác Thần trừng phạt khiển trách.

Đức Phật dạy: không phải chỉ có chư thiên mới là hộ pháp mà tất cả những người từ vua quan cho đến thứ dân ở cõi người, ai có tâm ủng hộ Phật pháp (tức ủng hộ trừ bỏ cái ác, khuyến khích phát triển cái thiện trường tồn ở thế gian, làm lợi lạc chúng sanh) đều được gọi là hộ pháp. Vậy nên, qua tìm hiểu hình tượng ông thiện, ông ác chúng ta mỗi ngày nên từ bỏ những thói quen xấu, làm thêm nhiều điều có ích để cuộc sống mãi tươi đẹp hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *